Gốm sứ nung lò củi - Nét đẹp hoang sơ thời hiện đại
Hiện nay, gốm sứ chủ yếu được nung bằng lò ga hoặc lò điện vì tính kinh tế, chỉ còn rất ít lò gốm còn duy trì nung lò củi và nhất là nung lò củi với những sản phẩm cao cấp vì tỉ lệ thành phẩm rất thấp và chất lượng sản phẩm không đồng đều. Tuy nhiên, trong khi gốm sứ nung ga phổ biến và tiện lợi, thì gốm sứ nung lò củi với vẻ đẹp hoang sơ và độc đáo lại mang đến những nét đẹp riêng biệt, đầy sức hút và chứa đựng giá trị nghệ thuật cao. Hãy cùng Gốm Sứ Phúc Lộc Viên Minh khám phá sự khác biệt và lý do tại sao gốm sứ nung lò củi vẫn được đánh giá cao đến vậy.
1. Gốm sứ nung lò củi là gì?
Gốm sứ nung củi - phương pháp nung gốm lâu đời nhất, nơi những tác phẩm nghệ thuật được thai nghén từ lửa và tro tàn. Nung củi hay còn gọi là nung hoàn nguyên, là một nghệ thuật tinh tế đòi hỏi sự sáng tạo, kiểm soát và tâm huyết của người nghệ nhân. Quá trình nung được diễn ra trong môi trường thiếu oxy, củi được đốt cháy tạo ra nhiệt độ cao, nung chảy gốm sứ và tạo nên những biến đổi hóa học kỳ diệu, mang đến cho gốm vẻ đẹp độc đáo không thể sao chép. Đấy là lý do vì sao lại có nhiều người yêu thích đồ gốm sứ nung củi đến như vậy.
Màu thời gian chính là chất màu mà lò củi tạo nên cho gốm, một vẻ đẹp trầm mặc, sâu lắng, như chính bản chất của gốm vốn dĩ vậy.
2. Gốm sứ nung ga hoặc điện là gì?
Phương pháp nung bằng ga hoặc điện này còn được gọi là nung oxy hoá. Nói đơn giản rằng, nếu trong quá trình nung mà không khí trong lò ở dạng no Oxy thì quá trình nung này được gọi là Nung Oxy hóa , còn ngược lại thông qua kỹ thuật kiểm soát, để không khí trong lò đói Oxy dẫn tới sự biến đổi hóa học trên gốm sứ, gọi là nung hoàn nguyên như đã đề cập ở phần trước.
Lò gas là bước tiến của ngành gốm sứ ra đời năm 2006. Đây là kiểu lò nung mới ít gây ô nhiễm, không tạo ra tro và khói, rất ít bụi. thời gian nung sản phẩm bằng gas được rút ngắn hơn so với việc sử dụng công nghệ thủ công như nung bằng than hay bằng củi… vì vậy đã giúp tiết kiệm được thời gian nung.
Cho đến hiện nay, hầu hết các doanh nghiệp, đơn vị sản xuất gốm sứ đều sử dụng lò nung bằng điện. Đây là một phương pháp thay vì sử dụng củi, nó sẽ sử dụng các trục đốt điện hoặc hố nhiệt điện để tạo ra nhiệt độ cần thiết để nung gốm sứ. Nhiệt độ sẽ được kiểm soát dễ dàng và chính xác bằng hệ thống điện tử để đảm bảo chất lượng sản phẩm cuối cùng. Do đó, phương pháp này thường được ưa chuộng trong sản xuất hàng loạt sản phẩm gốm sứ.
3. Đặc trưng của gốm sứ nung lò củi
Những sản phẩm độc bản
Nung hoàn nguyên, trái ngược với nung oxy hóa, diễn ra trong môi trường "đói" oxy. Lửa thiêu đốt, ép lấy oxy từ men và sương thai của gốm, vì vậy lớp men trên bề mặt gốm hoặc chính trên bề mặt gốm không phủ men sẽ xảy ra quá trình biến đổi hóa học, hoàn nguyên ra những kết cấu phân tử mới, nguyên khoáng qua quá trình nung luyện ở nhiệt độ cao mới có thể hình thành cảm giác bề mặt gốm có độ sâu, ấm và biến hóa ngẫu nhiên còn với sứ thì có độ trong, sâu, dịu như ngọc.
Phương pháp nung lò củi giúp tạo ra các sản phẩm gốm sứ độc bản, không bản nào giống bản nào và có giá trị sưu tầm cao. Có lẽ, ít ai biết rằng, vẻ đẹp đặc trưng của những sản phẩm gốm sứ nung củi này còn được tạo nên nhờ lớp men tro. Bởi chỉ cần với nhiệt độ đủ cao cần thiết, tro có thể trở thành lớp men cho đồ gốm sứ. Trong quá trình nung, tro sẽ bám lên bề mặt tác phẩm, sau khi được nung liên tục dưới nhiệt độ 1300-1500 độ, nó sẽ chảy thành men và tạo ra các lớp kết tinh vô cùng độc đáo và thú vị. Hoàn hảo trong sự gồ ghề, thô giáp trong sự chỉn chu. Ở đây vừa có sự chỉn chu mà không đánh mất sự mộc mạc tự nhiên, vừa có sự cầu toàn, mà lại không cứng nhắc. Đây chính là nét đặc trưng khiến cho gốm sứ nung củi trở nên khác biệt.
Ngay cả những nghệ nhân dày dặn kinh nghiệm cũng không thể hoàn toàn dự đoán được hình hài cuối cùng của mỗi tác phẩm nung củi. Chính sự bí ẩn, bất ngờ này càng khơi gợi niềm đam mê cho những người yêu thích và sưu tầm gốm sứ nung củi. Họ say mê tìm kiếm, sở hữu những kiệt tác độc đáo, hiếm có, để có thể chiêm ngưỡng và cảm nhận tinh hoa nghệ thuật ẩn chứa trong từng đường nét, từng mảng màu.
Nhưng khó kiểm soát...
Thế nhưng nung hoàn nguyên luôn ẩn chứa sự bất định, khó kiểm soát, nó đòi hỏi sự hòa quyện tinh tế giữa lửa, nhiệt độ lò và không khí. Nếu thiếu đi sự thấu hiểu và kiểm soát hoàn hảo, chỉ còn lại phế phẩm sau khi mở lò.
Bởi không phải ai cũng có thể chinh phục được phương pháp này, bởi tỷ lệ thành phẩm vô cùng thấp, chỉ khoảng 30%. Trên hành trình gian nan ấy, gốm sứ nung củi phải đối mặt với vô vàn rủi ro. Từ khâu sản xuất, 2% phôi gốm có thể bị hỏng trong quá trình nung, 2% hỏng trong sấy, 2% hỏng trong vận chuyển và 2% hỏng do va đập khi xếp lò. Chính vì lẽ đó nên gốm sứ nung củi luôn luôn có giá trị cao.
Người nghệ nhân gốm sứ nung hoàn nguyên không chỉ cần kiến thức, kinh nghiệm mà còn cả trái tim say mê với gốm. Họ thấu hiểu vị trí đặt sản phẩm trong lò, thời điểm cần gia nhiệt, tốc độ và lượng nhiệt phù hợp. Đó là cả một kỹ thuật hay đúng hơn là cả một nghệ thuật không phải ai cũng có thể chạm tới. Mỗi tác phẩm gốm sứ nung củi ra đời là một bản giao hưởng độc đáo, là sự kết hợp hoàn hảo giữa con người, lửa và đất mẹ.
Ngoài yếu tố tiên quyết là nhiệt độ, vị trí lò và loại gỗ sử dụng cũng góp phần tạo nên vô số trạng thái kết tinh khác nhau. Lửa, khi tiếp xúc trực tiếp với gốm, tạo nên những hiệu ứng "hỏa biến" diệu kỳ, mang đến một kiệt tác riêng biệt, không bao giờ lặp lại.
4. So sánh gốm sứ nung lò củi và gốm sứ nung ga hoặc điện
Không khó để thấy sự khác biệt này nếu đặt hai loại cạnh nhau để so sánh nhưng không phải dễ dàng nhận ra nếu bạn chưa tiếp xúc nhiều với các loại gốm sứ khác nhau.
Về Kỹ Thuật
Kỹ thuật nung lò củi đòi hỏi sự kiên nhẫn và kinh nghiệm của người thợ gốm. Trong quá trình nung, củi được đốt cháy để tạo ra nhiệt độ cao, nhiệt độ không đều và khó kiểm soát hơn so với nung oxy hoá. Trái lại, lò ga cho phép kiểm soát nhiệt độ một cách chính xác và ổn định hơn, giúp sản phẩm gốm sứ đồng đều và ít sai sót.
Màu Sắc và Hoa Văn
Gốm sứ nung lò củi thường có màu sắc trầm, tự nhiên, có nhiều hiệu ứng hoả biến, không đồng đều nhưng rất độc đáo và cuốn hút. Quá trình nung bằng củi tạo ra những biến đổi màu sắc ngẫu nhiên và đôi khi là những vết cháy, làm cho mỗi sản phẩm đều là một tác phẩm nghệ thuật độc nhất vô nhị. Trong khi đó, gốm sứ nung lò ga hay điện có màu sắc đồng đều, sắc nét và dễ kiểm soát hơn, phù hợp cho những sản phẩm đòi hỏi sự chính xác cao về màu sắc và hoa văn.
Chất Lượng và Độ Bền
Cả hai phương pháp nung đều tạo ra những sản phẩm gốm sứ bền và đẹp, nhưng gốm sứ nung lò củi thường có độ bền cao hơn do quá trình nung ở nhiệt độ rất cao. Độ bền của sản phẩm gốm sứ nung lò ga hay điện cũng rất tốt, nhưng có thể không đạt được độ cứng và sức chịu nhiệt cao như gốm sứ nung lò củi.
Giá Trị Nghệ Thuật
Gốm sứ nung lò củi được coi là có giá trị nghệ thuật cao hơn nhờ vào vẻ đẹp hoang sơ, tự nhiên và sự độc đáo của từng sản phẩm. Quá trình nung lò củi mang lại một cảm giác cổ điển, gần gũi với thiên nhiên và mang đậm dấu ấn thủ công truyền thống. Ngược lại, gốm sứ nung oxy hoá, với sự đồng đều và chính xác, phù hợp với những thiết kế hiện đại và nhu cầu sản xuất hàng loạt.
Từ những thông tin mà Gốm sứ Phúc Lộc Viên Minh vừa cung cấp trên chắc hẳn bạn đọc đã hiểu được lý do vì sao mà gốm sứ nung lò củi hiện nay vẫn còn có giá trị cao đến vậy và cách phân biệt gốm sứ nung hoàn nguyên và nung oxy hoá. Có thể, mỗi quá trình đều có ưu điểm, nhược điểm riêng nhưng đều cho ra những tác phẩm gốm sứ độc đáo, mang giá trị nghệ thuật cao.
Nếu quý khách quan tâm và cần mua các sản phẩm Gốm Sứ Bát Tràng chính gốc, men chuẩn cao cấp, hãy liên hệ ngay với Gốm Sứ Phúc Lộc Viên Minh để được tư vấn nhé.